chống dịch covid
MÔ HÌNH PHÂN LOẠI, XỬ LÝ RÁC THẢI
HỌI NGHỊ TK NĂM
MÔ HÌNH LÀNG QUÊ AN TOAN
HN TỎNG KẾT CÔNG TÁC HOIOJ

Trống đồng Đông Sơn

Đăng lúc: 14:12:12 20/09/2017 (GMT+7)

Thưa quý vị! Trước mặt quý vị đây là trống đồng Đông Sơn, một loại trống tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn có từ thời kỳ dựng nước. Nhưng trong buổi lịch sử nhuốm màu huyền thoại đó, sử sách không còn ghi lại hoặc đã bị tiêu hủy trong nghìn năm Bắc thuộc về thời kỳ lẫy lừng của nền văn hóa, văn minh trong kỹ thuật đúc đồng của người Việt. Chỉ biết mạch nguồn đồ đồng Đông Sơn này vẫn âm ỉ cháy bởi nó tượng trưng cho tinh hoa văn hoá cũng như ý chí quật cường của dân tộc ta.

Trong những nghi lễ trang nghiêm cũng như dịp hội hè vui vẻ, tiếng trống đồng trầm hùng vang vọng tạo ra một không khí uy nghi, làm tăng lòng tự hào dân tộc và làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Trống đồng không chỉ là vật linh mà thông qua đó chúng ta đã được sáng tỏ nhiều vấn đề, là thông điệp làm nên biểu tượng tập trung nhất những thành tựu trong sinh hoạt kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền uy của một nhà nước được xác lập đầu tiên trên đất nước ta - Nhà nước Hùng Vương.
Trải qua những thăng trầm, biến thiên của lịch sử, nghề đúc đồng truyền thống của Huyện Đông Sơn Thanh Hóa  tưởng chừng như đã bị thất truyền do không phải người nào cũng biết làm trống, vì làm trống ngoài đam mê, sự hiểu biết cần rất nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm.
Nhưng, thưa quý vị! như một may mắn đã đến cho vùng đất Đông Sơn khi vẫn còn những người con, mang trong mình dòng máu lạc hồng, miệt mài nghiên cứu, ngày đêm luyện đồng đúc trống với khao khát phục dựng lại nghề đúc Trống đồng của cha ông, lưu giữ hồn cốt đất Việt. Đó là chị Phạm Thị Phương ở làng Nhuận Thạch, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn. Với niềm đam mê cổ vật, đam mê văn hoá Đông Sơn và khao khát phục dựng, giữ gìn những giá trị của hàng nghìn năm trước, gần đây chị cùng chồng bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu về Trống đồng và đã có những  thành công nhất định. Không chỉ làm giàu cho gia đình với doanh thu gần 2 tỷ/năm, góp phần giải quyết việc làm cho 8 đến 10 lao động thường xuyên mà cơ sở đúc đồng của chị còn góp phần bảo vệ môi trường ở địa phương.
     Quý vị sẽ đặt câu hỏi, đúc đồng thì bảo vệ môi trường như thế nào?
Vâng,  mỗi tháng chị  Phương thu mua trên 1 tấn đồng, nhưng  điều đặc biệt là chị Phương không thu mua nguyên liệu từ các mỏ quặng đồng mà chủ yếu là tận dụng các nguồn đồng thứ phẩm (đồng nát, dây điện cũ…) hay đồ đồng cũ đã bị hư hỏng từ các nơi mua về. Dưới bàn tay khéo léo và tài hoa, chị cùng chồng vừa tạo hình, làm khuôn, đúc bản phôi, vừa gia công hoàn thiện tạo hình bề mặt sản phẩm với những chi tiết tinh xảo theo đúng hoa văn kiểu dáng xưa, thành công khôi phục sản phẩm trống đồng Đông Sơn truyền thống.
Nếu quý vị ở đây đã từng tìm hiểu các sản phẩm làm từ đồng sẽ biết, việc đúc trống rất khó, một trong cái khó đó là  bí quyết chỉnh âm cho trống... đây là bí quyết “cha truyền con nối”. Người biết chỉnh âm là người phải biết nghe. Kỹ năng nghe và thẩm định chất lượng âm thanh không thể truyền dạy bằng sách vở mà chỉ có thể nhờ kinh nghiệm và năng khiếu. Một chiếc trống chuẩn, khi đánh lên, người ở xa vẫn nghe tiếng âm vang, người ở gần không thấy chói tai, như vậy mới là một chiếc trống tốt, ngoài yêu cầu về chất lượng, cũng phải đáp ứng được về thẩm mỹ. Chính vì vậy, chị Phương và chồng phải làm việc chăm chỉ miệt mài, để kỹ năng chế tác điêu luyện dần dần biến thành kỹ xảo chế tác các sản phẩm đạt chất lượng cao.
Bên cạnh đó cơ sở đúc đồng của chị Phương cũng không dùng bếp nung hiện đại mà dùng  loại đất sét có đủ độ rắn nhằm tạo ra khuôn mẫu, dùng hàng  trăm tấn trấu và than củi những phế phẩm nông nghiệp để nung theo đúng cách truyền thống của cha ông, vừa  tiết kiệm chi phí nhiên liệu, giảm lượng khói, khí thải độc hại,vừa giúp vệ sinh đồng ruộng, mang lại giá trị tăng thêm cho nhà nông sau mỗi vụ thu hoạch lúa đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm của mình. Công việc này không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế, thể hiện sự đam mê yêu nghề, tự hào về thương hiệu của quê hương, trách nhiệm với hậu thế  mà còn tái sử dụng nguồn phế phẩm từ nông nghiệp, cải thiện môi trường, đồng thời tạo ra mô hình sinh kế cho cộng đồng, bảo vệ môi trường.
Thưa quý vị! 
Trong xu hướng về nguồn, việc bảo lưu, phát triển một số nghề thủ công truyền thống là một việc làm tốt, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Hy vọng, với những đóng góp cuả mình, nghề đúc đồng của Đông Sơn sẽ được quan tâm và có bước phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai./.

                                                                                       Lê Thị Vui- CT Hội LHPN huyện 

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
65856